Flappy Bird và những điều ngộ nhận

Một lập trình viên Việt Nam tên Nguyễn Hà Đông làm ra trò chơi Flappy Bird, cho người dùng sử dụng miễn phí trên App Store và Google Play. Hiện nay, trò chơi này đứng đầu danh sách sử dụng, với con số được cho là 50 triệu lượt. Theo ước lượng anh Đông có thể đã kiếm được 50 ngàn đô la mỗi ngày qua việc quảng cáo. Và rồi cách đây mấy ngày anh Đông đã quyết định rút lại trò chơi của mình. Hiện nay trên App Store và Google Play đã không còn trò chơi Flappy Bird nữa.

Hầu hết các báo Việt Nam đều đăng tin theo kiểu Nguyễn Hà Đông là 1 tài năng, khuất phục thế giới, đại khái như : Game Việt gây bão toàn cầu, hay Tác giả Flappy Bird rất có tài nhưng chưa bản lĩnh v.v. Còn dân cư FaceBook thì tự hào nháo nhào, rằng anh Đông là 1 tài năng công nghệ, thế giới kiêng nể, mở mặt mở mày cho người Việt. Có một số người bình tâm phân tích thì bị gán ngay cái tính ganh tị, không có tinh thần dân tộc v.v

Tôi xin có 1 vài phân tích về sự kiện trò chơi Flappy Bird này.

1 - Nguyễn Hà Đông có phải là 1 tài năng công nghệ hay không ?

Không có bằng chứng chứng tỏ rằng anh Đông không phải là 1 tài năng công nghệ, nhưng cũng hoàn toàn không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng anh Đông là 1 tài năng công nghệ.

Tất cả những người, tại Việt Nam cũng như hải ngoại, cho rằng Đông là 1 tài năng về công nghệ chỉ dựa vào trò chơi Flappy Bird. Tôi xin phản biện rằng, cảm nhận trò chơi hay-dở là tùy cá nhân mỗi người, tôi không bàn, nhưng về vấn đề kỹ thuật của trò chơi đó thì không còn là cá nhân nữa. Tôi khẳng định tất cả các lập trình viên chuyên nghiệp trên thế giới đều có thể tạo được 1 trò chơi như Flappy Bird, bởi vì trong lập trình trò chơi thì nhóm lập trình như Flappy Bird là nhóm 1, là nhóm đơn giản nhất.

Bạn có thể bảo rằng thế tại sao trò chơi Flappy Bird của Đông thì đứng đầu kho ứng dụng còn các trò chơi của các lập trình khác thì không ? Vâng, nhưng người dùng thích Flappy Bird (nếu có - tôi đề cập ở phần sau) thì đó là sở thích chơi game của mỗi người, chứ chẳng liên quan gì đến công nghệ cả.

Không chỉ Flappy Bird, mà trò chơi còn lại của anh Đông ở 2 ứng dụng App Store và Google Play cũng chỉ thuộc nhóm 1, nhóm đơn giản nhất. Do đó nếu chỉ dựa vào mấy trò chơi của anh Đông (mà quả thực chẳng có thông tin nào khác) mà cho rằng anh Đông là 1 tài năng về công nghệ thì quả là vô căn cứ.

2 - Tại sao trò chơi Flappy Bird lại có thể đứng đầu kho ứng dụng?

Theo các trang công nghệ của thế giới thì trò chơi Flappy Bird đứng đầu 2 kho ứng dụng lớn nhất thế giới là Appl Store (cho iOS) và Google Play (android) trong phần trò chơi miễn phí. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến phong trào tự hào dân tộc tràn lan trên mạng.

Người ta quên mất 1 câu hỏi rất căn bản, đó là : đứng đầu bằng cách nào? Đứng đầu 1 cách trung thực hay đứng đầu bằng những thủ thuật gian lận.

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xét rộng hơn một chút. Trước hết, đã có rất nhiều trò chơi rất giống trò chơi Flappy Bird và ra trước, nhất là Piou Piou. Nhưng tại sao người ta thích chơi Flappy Bird mà không thích chơi Piou Piou ? Cái này chỉ có thể giải thích là anh Đông may mắn hơn người khác.


Hầu hết các comment về Flappy Bird chỉ có sau khi nó đã được báo cáo dẫn đầu kho ứng dụng, tức có thể người dùng chỉ biết nó sau khi nó đã đứng đầu. Đó là hiệu ứng truyền thông. Cũng như nhiều người chỉ biết đến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sau khi báo chí gọi ca sĩ này là ông hoàng nhạc Việt, là nam ca sĩ đứng đầu Việt Nam.

Không chỉ Flappy Bird, anh Đông còn có các trò chơi khác và cũng đồng loạt (trong cùng thời gian) đứng trong top 10 của 2 kho ứng dụng App Store và Google Play. Đây là điều rất đáng ngờ. Hiện nay, có hàng trăm ngàn trò chơi miễn phí trên các ứng dụng App Store và Google Play, đủ mọi thể loại, đủ mọi mức độ, nên nếu may mắn mà lọt vào top 10 của các ứng dụng này thì chẳng khác nào trúng số độc đắc, các lập trình trò chơi Việt Nam chỉ dám mơ top 1000. Vâng, người ta cũng trúng số độc đắc đấy thôi, nhưng chưa có ai trúng số độc đắc liên tục 3 lần như anh Đông, tức 3 trò chơi đứng trong top 10 trong cùng 1 thời gian.

Ngoài ra, một vấn đề rất căn bản nữa mà người trong nghề mới biết. Đó là nhiều lập trình người Việt bỏ thời gian cho hack nhiều hơn thời gian cho viết ứng dụng. Hẳn các bạn còn nhớ, cách đây không lâu, các trang mạng nước ngoài liên quan đến tài chánh đều từ chối những truy cập đến từ Việt Nam. Các mục tiêu hack của các lập trình viên người Việt Nam có thể kể ra là, xếp hạng cao ở Alexa.com, tăng view ở blog, tăng Like ở FaceBook, đứng đầu các ứng dụng kể trên v.v.

Do đó, kết hợp các thông tin kể trên tôi cho rằng, khả năng Flappy Bird đứng đầu nhờ kỹ thuật độc đáo, cao siêu của trò chơi là 0%, đứng đầu nhờ may mắn là 10%, còn lại 90% là do hack.

3 - Tại sao anh Đông lại rút trò chơi xuống?

Anh Đông không giải thích, nhưng một số người cho rằng anh Đông rút trò chơi khỏi App Store và Google Play là lo sợ về vấn đề bản quyền. Tôi không cho là như vậy. Thứ nhất là Flappy Bird có giống 1 số trò chơi khác thật, nhưng cũng không quá đáng. Thứ 2, kiện về bản quyền là dân sự chứ không phải hình sự, người ta chỉ kiện khi mình rất giàu. Thứ 3, nếu kiện (tức anh Đông đã kiếm được rất nhiều tiền) thì anh Đông vẫn còn kha khá, chứ không thể mất hết, mà với cái mức "kha khá" ấy thì anh Đông vẫn có đời sống vương giả.

Do đó tôi nghĩ anh Đông rút trò chơi xuống vì lý do thứ 2 đề cập ở trên. Vì nếu Flappy Bird nổi bật lâu, trong khi nó lại rất đơn giản, nhiều người sẽ đặt câu hỏi cho việc xếp hạng của App Store và Google Play. Mà nếu 2 kho ứng dụng này bỏ công điều tra thì sẽ rất khó thoát, nếu anh Đông đã hack (dùng thủ thuật gian lận để tăng thứ hạng). Khi đó, chẳng những anh Đông không được trả tiền mà có thể bị truy tố hình sự, cái nghề lập trình trò chơi coi như kết thúc, 2 kho ứng dụng đó chắc chắn chẳng bao giờ cho phép anh Đông gởi trò chơi mình lên nữa.

4 - Anh Đông làm trò chơi Flappy Bird trong 3 ngày?

Báo chí Việt Nam liên tục nhấn mạnh trò chơi Flappy Bird gây sốt thế giới được anh Đông làm trong 3 ngày. Tôi thấy nên có vài lời về chuyện này.

Tôi nghĩ có thể anh Đông đã lỡ lời, có thể người phỏng vấn hiểu sai ý anh Đông, hoặc có thể người phỏng vấn tự nghĩ ra nhằm gây chú ý cho người đọc, chứ nói cái trò chơi đó được viết trong 3 ngày thì tất cả dân lập trình trò chơi đều phì cười.

Vâng, Flappy Bird là trò chơi thuộc nhóm đơn giản nhất, nhưng không có nghĩa chỉ viết vài ngày là xong. Ý tưởng thì có thể có được trong chốc lát, nhưng viết lập trình trò chơi là lao động chân tay, chúng tôi vẫn thường bảo nhau như thế. Lập trình trò chơi phải gõ nát bàn phím, cứ nhìn bàn phím của họ sẽ rõ. Phải viết 1 lượng mã đồ sộ mới có được 1 trò chơi như thế, còn các trò chơi phức tạp khác thì khỏi bàn, cũng vì thế mà lập trình trò chơi tại Việt Nam có rất ít các trò chơi phức tạp, vì nó đòi hỏi cả 1 tập thể, và có thể phải viết cả năm trời. Ai đám đầu tư như thế vì đâu biết viết xong có bán được hay không?

Nếu ai đó nói rằng anh ta viết cái trò chơi đơn giản như Flappy Bird trong 3 ngày thì tôi đánh cược là người đó phải ăn cắp mã của người khác mới nhanh được như thế. Tôi hy vọng anh Đông không ở trong trường hợp này.

Kết.
Là dân trong nghề, tôi vẫn mong rằng anh Đông có được như thế là do may mắn, chứ không phải do gian lận. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nêu lên những vấn đề mà tôi cho là ngộ nhận và thiếu chính xác trong sự kiện Flappy Bird này, đề cộng đồng IT Việt Nam ngày 1 phát triển hơn, bằng thực lực và tinh thần khoa học, chứ không phải 1 hình thức phô trương, giả dối nào. Như đã nói ở phần 2, xét về lý, tôi cho là khả năng hack là 90%, nhưng nếu hỏi tôi muốn như thế nào thì xin trả lời là tôi muốn tôi sai, tức tôi muốn trò chơi Flappy Bird của anh Đông đứng đầu 2 kho ứng dụng App Store và Google Play là do may mắn.

NVK

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.